NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI ĐI TREKKING, LEO NÚI MÙA MƯA
Leo Núi
Kỹ Năng
1. Lên kế hoạch kỹ về đường đi
Một kế hoạch cụ thể, chi tiết nhất từ bắt đầu đến khi quay về an toàn. Bắt đầu với việc xuất phát ở đâu, di chuyển bằng phương tiện gì, điểm bắt đầu trek, điểm nghỉ chân giữa đường, vị trí hạ trại,… cho đến điều kiện thời tiết theo dự báo, đặc điểm địa hình,… Trên tinh thần chung là càng chi tiết càng tốt. Bên cạnh lên lịch trình cho chuyến đi ta cần lên kế hoạch để chuẩn bị những thứ cần thiết – những thứ bạn sẽ chuẩn bị ở điều 6 và 7.
Bên cạnh một kế hoạch chu toàn bạn cần chuẩn bị thêm tracklog của cung đường đó, hoặc là GPS. Chia sẻ tracklog với tất cả mọi người trong đoàn và hướng dẫn mọi người sử dụng nó. Nếu đó là những thiết bị sử dụng pin thì đừng quên chuẩn bị pin sạc dự phòng nhé!
Bên cạnh một kế hoạch chu toàn bạn cần chuẩn bị thêm tracklog của cung đường đó, hoặc là GPS. Chia sẻ tracklog với tất cả mọi người trong đoàn và hướng dẫn mọi người sử dụng nó. Nếu đó là những thiết bị sử dụng pin thì đừng quên chuẩn bị pin sạc dự phòng nhé!
2. Luôn có kế hoạch B
- Ông bà có câu “Người tính không bằng trời tính”, có chuẩn bị kế hoạch kỹ đến đâu mà thiên nhiên không cho phép thì cũng khó mà hoàn thành xuất sắc được (Nói vậy nhưng kế hoạch vẫn phải lên thật kỹ nha).
Các cung đường trek trong mùa mưa sẽ trở nên vô cùng quyến rũ, nhưng đồng hành cùng nó là những nguy hiểm tiềm ẩn không lường trước được. Cho dù bạn là một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhưng câu chuyện về những cơn mưa lớn kéo dài, về nước suối dâng cao kéo theo một chút lũ cuốn phăng mọi thứ. Vì vậy để đảm bảo an toàn hãy chuẩn bị thêm phương án dự phòng để áp dụng ngay khi có sự cố. Ví dụ như thay vì di chuyển về đích buổi sáng thì ta dời lại buổi trưa để tránh nước suối dâng cao, trong trường hợp này ta cần kéo dài thời gian kết thúc chuyến đi, trừ hao 1 ngày để mọi người thoải mái về đích. Hay một kế hoạch B về đường di chuyển, thay vì băng qua suối bạn có thể dự phòng 1 cung đường khác dài hơn nhưng an toàn hơn.
3. Nắm chắc các kỹ năng sinh tồn - đảm bảo mọi người trong đoàn đều biết
- Tự lo cho bản thân dựa trên hướng dẫn của Leader là tinh thần cần có của một trekker. Đó là tự lo cho sức khỏe của mình, tự lo cho hành lý của mình và có trách nhiệm với cơ thể của mình. Để làm được điều này bạn cần phải có hiểu biết về các hoạt động cơ bản trong trekking, cắm trại, bên cạnh đó là những nguyên tắc sinh tồn cần có. Ví dụ như làm thế nào để setup một địa điểm cắm trại, cách dựng lều, đào rãnh thoát nước, căng tăng. Các nguyên tắc sinh tồn cơ bản như quan sát, cách tạo lửa – đặc biệt là tạo lửa trong điều kiện khắc nghiệt hơn như là củi ướt, đồng thời là kỹ năng xác định phương hướng, sử dụng tracklog, GPS hay bản đồ. Tiếp đó là kỹ năng xử lý vết thương, kỹ năng sơ cứu cơ bản.
Cao cấp hơn là kỹ năng đánh giá mức độ nguy hiểm của tự nhiên dựa vào những hiện tượng trước mắt, kỹ năng xem xét các loại thực vật nguy hiểm, thực vật ăn được trong tự nhiên.
4. Luôn đi theo đoàn - tin tưởng Leader
- Tin tưởng Leader và bám đoàn là quy luật quan trọng nhất định phải tuân theo đối với mọi trekker.
Đối với Leader không những chịu trách nhiệm lên kế hoạch chu toàn cho chuyến đi, họ cần phải có kinh nghiệm xử lý tình huống, giải quyết nhanh và chính xác các sự cố phát sinh và quan trọng hơn là khả năng kết nối, ổn định tâm lý cho các thành viên khác trong đoàn. Nếu chuyến đi tự túc thì Leader của bạn cần có đủ kinh nghiệm và trách nhiệm để đem lại 1 chuyến đi vui vẻ, an toàn, hoặc bạn có thể lựa chọn thuê tour với những anh Porter khỏe mạnh, dày dặn kinh nghiệm.
Quay lại vấn đề tin tưởng thì một khi đã chọn ra người dẫn đầu, thì việc tin tưởng Leader, tin tưởng những thành viên khác trong đoàn, tạo nên một tập thể đoàn kết là vô cùng quan trọng.
Tiếp theo đó là không được tách đoàn, không thấy mình còn quá sung sức mà đi trước, không thấy mình mệt quá tự ý ngồi nghỉ mệt xíu rồi tí đuổi theo vì phía trước là gì bạn không biết, và khả năng đi lạc sẽ cao hơn nếu bạn không bám đoàn, đi lạc trong mùa mưa thì còn nguy hiểm và đáng sợ hơn. Mặt khác đi theo đoàn vui hơn rất nhiều, đi chung để kéo tinh thần nhau lên, và kỷ niệm cũng sẽ nhiều hơn nếu ta đi cùng nhau – vậy thì tại sao phải đi nhanh tách đoàn làm gì nhỉ!
5. Né cung đường có suối hoặc thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn khi qua suối
- Vấn đề thiên nhiên đáng sợ nhất trong mùa mưa không phải là trơn trượt, đó là những con suối, là lũ quét bất ngờ. Đó là những tản đá đầy rêu trơn trượt ẩn dưới dòng nước đang cuồn cuộn, trên vai lại là hành lý hạng nặng khiến việc di chuyển vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là nguy hiểm. Nên hãy hạn chế tham gia những cung đường có đi ngang qua suối trong mùa mưa. Và tất nhiên là cũng đừng dại dột mà cắm trại bên bờ suối trong những ngày ẩm ướt này nhé!
6. Chuẩn bị đầy đủ những vật dụng bảo hộ an toàn - Những vật dụng chuẩn bị chung theo đoàn
- Nếu hỏi tất cả những thứ cần chuẩn bị thì nhiều lắm, còn tùy thuộc vào điểm đến cụ thể, nhưng cơ bản có những nhóm đồ cần chuẩn bị sau:
- Những vật dụng cơ bản như lều trại, tăng, và đừng quên kiểm tra cọc của chúng, đảm bảo đủ dây là cọc để chống chọi với mưa gió nhé!
- Tiếp đó là công cụ nấu nướng cần thiết, công cụ tạo lửa!
- Bộ đồ sơ cứu – cứu thương bao gồm những vật dụng cứu thương cơ bản, những loại thuốc như thuốc hạ sốt, thuốc đau bụng, đau bao tử, dị ứng,… cụ thể hơn hãy tìm hiểu những thứ cần chuẩn bị trong một chiếc túi cứu thương leo núi nhé!
- Tiếp đó là những món đồ bảo hộ như phao tay, dây thừng nếu có qua suối, những công cụ như rìu, dao phát, cưa, dụng cụ đa năng.
- Và đồ ăn – tất nhiên rồi!
7. Chuẩn bị trang phục và vật dụng cá nhân cần thiết
- Cũng như mọi chuyến trekking khác, một hành trình trekking vào mùa mưa đòi hỏi bạn chuẩn bị tốt về cả thể lực, tinh thần và công cụ – thậm chí là phải chuẩn bị một cách kỹ càng hơn.
Ngoài những dụng cụ cá nhân cơ bản như balo, đồ dùng cá nhân, túi ngủ,… một số món bạn phải đặc biệt chú ý chuẩn bị là: - Một đôi giày với đế giày phù hợp – nếu bạn còn băn khoăn chưa biết chọn giày thế nào.
- Áo mưa – Chắc chắn phải có rồi, áo mưa cho bạn, và cả áo mưa cho chiếc balo của bạn. Bạn có thể sử dụng áo mưa bộ – nhưng là loại gọn nhẹ, không rườm rà như áo mưa bộ xe máy nhé! Hoặc bạn có thể chọn một chiếc áo mưa poncho phù hợp với size người của bạn, nó sẽ giúp che cả phần balo phía sau.
- Trang phục chống thấm: Ngoài áo mưa, bạn có thể tự chuẩn bị cho mình trang phục chống thấm như quần chống thấm, áo khoác chống thấm,… nó vừa bảo vệ bạn khỏi ướt, vừa hỗ trợ giữ ấm khi di chuyển.
- Vài túi chống thấm để bảo vệ đồ điện tử bên trong balo sẽ rất cần thiết.
- Đèn pin cá nhân: Mưa thì không loại trừ khả năng sẽ có sương mù dày đặc, chuẩn bị đèn pin leo núi sẽ không thừa.
- Thực phẩm dự phòng – Ngoại trừ thực phẩm đã được chuẩn bị theo đoàn, hãy sơ cua cho bản thân vài thanh socola hoặc gel năng lượng để bổ sung khi cần thiết. Hoặc trường hợp xấu nhất – bạn bị lạc, liệu bạn đủ tự tin là bạn có thể sống bằng rau rừng, cá suối và hoa quả? Dù đã tìm hiểu về nó rồi thì một ít lương thực dự phòng và đợi đội cứu hộ tới vẫn là một phương án an toàn.
- Mền cứu sinh – Loại mền bằng ni lông tráng bạc giúp bạn giữ ấm – giữ nhiệt tức thời.
- Đối với những cung đường núi cao, hãy xem xét đem theo những gói giữ ấm cho tay chân.
8. Luôn sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất
- Trường hợp xấu nhất ở đây có nghĩa là trường hợp thời tiết xấu nhất, ta không di chuyển được mà phải ở lại trong rừng, hoặc di chuyển chậm hơn so với lịch trình đã đặt ra. Đồng nghĩa với việc bạn phải chuẩn bị dự trù thức ăn, thức ăn và năng lượng dự phòng cho các thiết bị. Và quan trọng nhất là một tinh thần tốt và sẵn sàng đối diện với mọi trường hợp khi bạn trekking vào mùa mưa.